Làm giàu nhờ trồng cây hiếm: Trồng chùm ngây ở miền Tây
Hạt, lá, thân, rễ chùm ngây đều có giá rất cao, bảo đảm thu nhập cho nông dân - Ảnh: T.Dũng |
Thích nghi với vùng đất núi, dễ trồng, thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa nên người dân Bảy Núi (An Giang) rất phấn khởi với dự án phát triển “cây xóa nghèo” chùm ngây.
Chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera, mọc hoang dại rất nhiều trên các đồi núi ở Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang). Người dân Bảy Núi trước kia chưa hiểu rõ dược tính của chùm ngây nên chỉ dùng chúng vào việc lọc cho nước trong hay dùng làm hàng rào, lấy lá chùm ngây làm rau ăn.
Tới khi biết đó là “cây thần diệu” (Thanh Niên đã có các bài viết về tác dụng tuyệt vời của loại cây này đối với sức khỏe) người dân mới tiếc ngẩn ngơ bởi chùm ngây đã gần như bị tuyệt chủng trên Bảy Núi. Mãi cho đến tháng 2.2009, khi kiểm tra các đồi núi An Giang, ngành kiểm lâm rất ngạc nhiên khi phát hiện vài cá thể chùm ngây mọc ở nơi cheo leo hoang vắng. Sự phát hiện này đã mở hướng cho huyện Tri Tôn và Tịnh Biên quy hoạch vùng trồng loại cây này.
Ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn cho biết, ở khu vực ĐBSCL chỉ có vùng Bảy Núi với khí hậu khô hạn khắc nghiệt là nơi lý tưởng trồng chùm ngây. Hiện huyện Tri Tôn đang thực hiện đề tài: "Bảo tồn, phát triển sản xuất và hướng tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây chùm ngây". Đây là dự án xóa nghèo, nhằm cải thiện cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer và người trồng rừng phòng hộ khu vực Bảy Núi. Kinh phí cho dự án hơn 1 tỉ đồng, thực hiện trong 3 năm.
Theo ông Mì, ước tính dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 300 hộ nông dân và trên 1.000 lao động nông nhàn.
Ông Mì cũng cho biết cây chùm ngây dễ trồng, ít tốn phân bón và công chăm sóc, chúng hầu như “miễn dịch” với sâu bọ. Vì thuộc họ cây cổ thụ nên tuổi thọ của chùm ngây kéo dài. Người dân có thể trồng chùm ngây xen kẽ dưới tán rừng, khi cây cao được 1,5 mét thì cắt cành, ngay chỗ cắt sẽ đâm ra nhiều tược, khi tược cao lại cắt ngang lúc đó cây sẽ đâm tược theo cấp số nhân. Chùm ngây trồng khoảng 6 - 8 tháng là có thể thu hoạch được lá hoặc hạt.
Tại Tri Tôn hạt chùm ngây được thu mua với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, lá non 25.000 đồng/kg, cây giống 15.000 đồng/cây. Để chủ động nguồn giống hiện nay Phòng Nông nghiệp huyện đang triển khai diện tích chuyên trồng chùm ngây từ 100 - 200 ha tại khu vực Núi Dài và Núi Cô Tô, xây dựng một vườn ươm cây diện tích khoảng 3.000m2 nhằm cung cấp giống cho vùng nguyên liệu.
Theo lương y Nguyễn Thiện Chung (ấp Núi Đá Lớn, xã An Phú, Tịnh Biên), giá chùm ngây trên thị trường rất cao, cụ thể hạt từ 100 ngàn đồng/kg trở lên, có nơi bán 1 hạt chùm ngây từ 1.500 - 2.000 đồng, lá non 1 kg từ 50.000 - 70.000 đồng, cây giống từ 30.000 - 50.000 đồng/cây.
Cá nhân ông Chung cũng trồng chùm ngây xen kẽ dưới tán rừng tăng thêm nguồn kinh tế. Ông tính toán 1 công đất chùm ngây cho thu hoạch cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa, trong khi việc chăm sóc lại nhàn hạ hơn. “Toàn thân cây chùm ngây là cây thuốc nên luôn được các công ty chế biến dược phẩm quan tâm. Nhiều công ty ở Nhật cũng từng đề nghị tôi trồng các loại thuốc núi, trong đó có chùm ngây cung ứng cho họ với số lượng lớn nhưng tôi chưa dám nhận lời vì sợ không đủ sức”, ông Chung chia sẻ.
Thanh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét