Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cà phê ở Đăk Lăk mang lại hiệu quả kinh tế cao




Vào đầu giờ chiều một ngày cuối xuân, vừa bước chân vào phòng làm việc của cơ quan, tôi được lãnh đạo phòng chỉ đạo đi nắm bắt các thông tin mô hình mới về ứng dụng công nghệ tuới nhỏ giọt (Israel)cho cây cà phê của hộ ông A Ma Chương tại buôn KôTam, xã EaTu- thành phố Buôn Ma Thuột để báo cáo với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đăk Lăk, chuẩn bị nhân chuyến Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác của Trung ương đến thăm và làm việc tại Đak Lak trong vài ngày tới
Vừa nghe nói đến mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây cà phê đã kích thích tính “tham lam” tìm hiểu của tôi về công nghệ này. Trước đây một năm tôi cũng đã được tham dự Hội nghị báo cáo kết quả về mô hình tưới tiết kiệm trên cây cà phê của Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây nguyên, bước đầu có hiệu quả, tuy nhiên mô hình vẫn còn trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu. Vì thế, mặc cho cái nắng nóng bức gay gắt, sau khi trao đổi qua điện thoại một số thông tin tìm hiểu về địa điểm triển khai mô hình với lãnh đạo xã EaTu, tôi liền xách xe máy một mình phóng thẳng xuống Buôn Kô Tam, xã EaTu cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng chừng gần 12 km về hướng đông nam. Đến đầu Buôn Ko Tam tôi được trưởng Buôn cùng cô cán bộ nông nghiệp dẫn đến nhà A Ma Chương, người trực tiếp triển khai mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê.
Đập vào mắt tôi là một vườn cà phê đã mười hai năm tuổi tươi xanh rười rượi cho dù dưới cái nắng buổi chiều chói chang của vùng Tây Nguyên trong những ngày chuẩn bị giao mùa.
Qua trao đổi với ông A Ma Chương, tôi đựơc biết: Mô hình tưới nhỏ giọt được triển khai từ đầu năm 2010, do Công ty cà phê Trung nguyên tài trợ với qui mô 5000 m2 và 4000 m2 còn lại trong vườn làm đối chứng. Quan sát thực tế hệ thống tưới nhỏ giọt, tôi được biết, nước trước khi dẫn đến cây cà phê đã được “đi” qua một “hệ thống trung tâm” gồm: Đồng hồ đo lưu lượng nước, dùng để theo dõi lượng nước tưới một cách chính xác, kiểm tra lưu lượng của máy bơm, lưu lượng tưới. Đồng hồ đo áp lực nước nhiệm vụ kiểm tra sự hoạt động của máy bơm, độ sạch của lõi lọc và sự rò rỉ nước trong đường ống, hệ thống lọc nước làm nhiệm vụ loại bỏ những cặn bã, tạo lưu lượng nước ổn định, nước tương đối chất lượng trước khi cung cấp cho cây, van xả khí với mục đích giải phóng những túi khí hình thành trong suốt quá trình tưới được tạo ra do hoạt động của máy bơm hay do độ dốc của địa hình hay do đường ống dẫn nước tưới có độ dốc đồng đều nhưng dài quá (500m). Việc xả những túi khí này ra ngoài giúp hệ thống sau khi khởi động sẽ đạt được sự đồng đều về áp suất với thời gian ngắn nhất, ngăn ngừa được sự chênh lệch áp suất do khoảng chân không tạo ra trong đường ống làm ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của dòng nước. Bộ châm phân là thiết bị châm dinh dưỡng vào ống chính, giúp đưa dinh dưỡng tới trực tiếp vùng rễ của cây qua dây nhỏ giọt.
Hệ thống trung tâm kiểm soát được lượng nước thoát ra trong thời gian nhất định. Hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cà phê chừng 70 cm, chôn âm cách mặt đất chừng 5 – 7 cm. Mỗi gốc một đoạn ống đi qua có mang theo 10 điểm nhỏ giọt ( cách nhau 30 cm/1 điểm). Mỗi giờ lượng nước sẽ cung cấp cho mỗi gốc cà phê là 28 lít. Độ ẩm của đất thường xuyên được kiểm soát bỡi đồng hồ đo độ ẩm được cố định trên vườn. Lượng nước cung cấp cho cà phê vừa đáp ứng đúng lúc nhu cầu của cây cần, hạn chế lượng nước thất thoát không hiệu quả, tiết kiệm nước tối đa, phù hợp với điều kiện điều tiết nước trong mùa khô đối với Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây nguyên nói chung. Đặc biệt là “bộ châm phân” sẽ hút phân (đã được hoà nước với liều lượng định sẵn) rồi đưa vào hệ thống đường ống dẫn nước, điều tiết qua hệ thống nhỏ giọt, phân phối đều cho cây từ đầu vườn đến cuối vườn, hệ rễ được hấp thu đầy đủ dinh dưỡng để nuôi cây phù hợp cho từng giai đoạn sinh lý của cây, hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây cà phê.
 Đối với cây cà phê, năng suất và chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thời kỳ nở hoa, mà việc nở hoa cà phê lại phụ thuộc vào thời kỳ tưới, lượng nước tưới, chu kỳ tưới và chất lượng nước tưới…Việc tưới nước để điều khiển sự ra hoa rộ, đồng loạt, tạo điều kiện cho việc thu hoạch tập trung là một vấn đề mà các nhà khoa học đã chuyên tâm nghiên cứu. Mô hình ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cà phê tại vườn A Ma Chương là một minh chứng thuyết phục về sự điều khiển ra hoa và tăng năng suất cà phê. Thể hiện rõ nét nhất là năm 2009 (khi chưa ứng dụng tưới nhỏ giọt) năng suất chỉ đạt 1,6 tấn/ha, năm 2010 sau khi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước thì năng suất tăng lên rõ rệt, thu hoạch được 2,6 tấn/ha, đến 2011 năng suất tiếp tục tăng đến 4 tấn/ha. Trong thời gian tới, cùng với việc  nghiên cứu và điều chỉnh lượng nước tưới, chu kỳ tưới kết hợp điều chỉnh phân bón và các yếu tố khác …có thể khai thác tiềm năng năng suất cà phê cao hơn.
 Theo cách điều tiết nước của ông A Ma Chương, sau khi cây cà phê đã phân hóa mầm hoa, lượng nước được cung cấp liên tục 3 ngày, mỗi ngày tưới một giờ vào buổi sáng, những đợt sau cách bốn – năm ngày tưới một lần, khoảng hơn 10 ngày kể từ ngày tưới đầu tiên hoa cà phê đã đồng loạt bung rộ, cả vườn hoa trắng xóa nhìn thật đẹp mắt. Trong cả mùa khô căn cứ vào độ ẩm trong đất mà điều tiết nước tưới phù hợp. Hệ thống tưới nhỏ giọt hạn chế tối đa sự phát sinh, phát triển và lây lan của tuyến trùng, các chủng nấm và vi khuẩn gây hại cho cà phê vì không làm nước “bắn” tung toé lên lá, gốc và không gây tràn trên bồn (như tưới dí truyền thống), đồng nghĩa với việc hạn chế tối đa sự tác động thuốc bảo vệ thực vật. Tưới nhỏ giọt hạn chế sự phát triển của các loại cỏ dại (vì không tràn lan trên mặt đất), giảm công và kinh phí đầu tư thuốc diệt trừ cỏ dại. Qua đó hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây.
Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã tiết kiệm được một lượng công rất lớn.
Qua trao đổi với ông Vũ Kiên Trung, Giám đốc Công ty CP công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam, đơn vị trực tiếp tư vấn và chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt trên cà phê tại Đak Lak, chúng tôi được biết tổng chi phí đầu tư mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cà phê cho 1 ha là 54 triệu đồng, thời hạn sử dụng tối thiểu cho công nghệ này là 10 năm. Như vậy mỗi năm khấu hao cho hệ thống này là 5,4 triệu/ha. Trong khi đó, việc tưới nước cho cà phê theo truyền thống cần trung bình 24 – 26 công/ha/năm. Nhưng khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm thì giảm được khoảng 70 - 80% công, tương đương 17 – 20 công/ha/năm. Chỉ tính riêng Đăk Lăk với diện tích 184.000 ha, nếu chỉ 10 % diện tích được áp dụng ứơc tính tiết kiệm được một lượng công lao động khoảng 312.800 công, tương đương số tiền tiết kiệm được gần 47 tỷ đồng/năm = (18.400 ha x 17 công/ha x 150.000/công ). Về lượng nước ước tính mỗi năm tỉnh Đăk lăk có thể tiết kiệm được 132.480.000 m3 nước = ( 1.800 m3/ha x 40% x 184.000 ha ). Ngoài ra khi bón phân qua hệ thống ống dẫn nước đã hạn chế đáng kể việc thất thoát phân (do phân đã tan) vì vậy cà phê được cung cấp lượng phân bón đầy đủ đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cà phê, làm tăng năng suất và tăng chất lượng sản phẩm cà phê. Mỗi vụ năng suất chỉ cần tăng trung bình 0,3 tấn/ha (sau khi ứng dụng mô hình), với giá cà phê hiện nay thì thu nhập tăng lên được 13,8 triệu đồng.
 Tóm lại, lợi ích thiết thực của hệ thống tưới nhỏ giọt là nhu cầu về nước thấp; hệ thống có thể vận hành thường xuyên; giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường; hạn chế sự xói mòn đất; giảm chi phí vận hành; làm cho độ ẩm đất đồng đều và luôn đạt ở mức độ ẩm tối ưu cho cây trồng; làm cho vùng rễ tơi xốp; tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây; phát triển mạnh khối lượng rễ tích cực; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê, giảm chi phí đầu tư công, phân bón, tăng hiệu quả kinh tế.
 Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê là một trong những biện pháp góp phần thúc đẩy chương trình phát triển cà phê bền vững của Tỉnh, góp phần giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc Đăk Lăk, đảm bảo sản lượng cà phê trên địa bàn, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế (vì hiện nay diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp đã chiếm một tỷ lệ lớn đối với tổng diện tích cà phê của Tỉnh). Trong thời gian tới nhà nước cần có đầu tư đúng mức để triển khai và nhân rộng mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cà phê để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu./. .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét