Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY THANH TRÀ


Cây Thanh Trà có tên khoa học Bouea gandaria Blume hay Bouea macrophylla Griff., thuộc họ Anacardiaceae, bộ Sapindales tên tiếng anh Marian plum, Gandaria, Marian mango hay Plum mango, là cây ăn trái nhiệt đới có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á. Ở Thái Lan, trái Thanh Trà được người tiêu dùng rất ưa chuộng, diện tích trồng Thanh Trà ở Thái tăng nhanh từ năm 1998. Năm 2001, chính phủ Thái bắt đầu xúc tiến quảng bá xuất khẩu loại trái cây này. Hiện nay, thanh trà Thái được xuất khẩu sang nhiều nước ở châu âu và được bày bán hầu hết trong các siêu thị ở Anh Quốc.


Cây thanh trà dễ trồng, ít nhiễm sâu bệnh hại, chịu hạn rất tốt, các giống thanh trà thương mại có nguồn gốc ở Thái Lan, Mỹ hầu hết đều có dạng quả dài, mùi vị thơm ngon, thịt trái có nhiều chất bổ dưỡng, màu sắc và mẫu mã trái đẹp nên rất hấp dẫn người tiêu dùng. Ở nước ta mùa thu hoạch trái thanh trà sớm hơn so với nhiều loại trái cây khác nên trái dễ bán được giá cao.

Thanh Trà ra hoa 2 đợt cách nhau khoảng 1 tháng, thời gian thu hoạch quả kéo dài từ giữa tháng 12 đến tháng 2 âm lịch. Theo tác giả (Chairuangyod, 1996) thanh trà là loại trái cây có nhiều tìm năng trong tương lai và là một trong những loại trái cây mang lại nguồn thu nhập cao nhất cho nhà vườn ở Thái.
KỸ THUẬT TRỒNG
-Đất trồng:
Cây thanh trà thích nghi rộng nên có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đỏ bazan, đất thịt, thịt pha cát, đất phù sa Đồng Bằng Sông Cửu Long,…
-Khoảng cách trồng:
Khoảng cách trồng thích hợp trên đất có độ phì thấp là: 7m x 7m (200 cây/ha), 8m x 8m (156 cây/ha) Đối với nền đất có độ phì cao trồng với khoảng cách thưa hơn 9m x 9m (123 cây/ha).
-Chuẩn bị hố trồng
Hố trồng đào 50 cm x 50 cm x 50 cm, khi đào hố nên để riêng lớp đất trên mặt ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên, bón lót mỗi hố 10-12 kg phân chuồng đã ủ hoai, 150-250 g Super lân, trộn đều với lớp đất mặt xung quanh, trộn thêm với 50 g Basudin 10H và 0,5 kg vôi để phòng trừ mối kiến và nâng cao độ pH đất. Ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ và làm mặn đất.
-Trồng cây
Dùng tay móc một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng thanh trà khoảng 2-3 cm, kích thước to hơn bầu cây đôi chút, để túi cây trên mặt đất, dùng dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2-3 cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó đặt vào hố trồng, lấp đất và rút bọc nilon ra. Dùng tay lấp và ém chặc lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rể ngang bằng với nền đất xung quanh, không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng cần làm bồn đường kính khoảng 1 m để nước tưới không chảy ra ngoài. 
Trồng xong lấy cọc cắm, buộc thân cây vào cọc tránh gió lay gốc, nên buộc lỏng bằng dây nilon. Nếu trồng vào mùa mưa thanh trà không cần che mát như sầu riêng hay măng cụt.
CHĂM SÓC

-Tưới nước:
Tưới nước ngay sau khi trồng, trồng vào đầu hay giữa mùa mưa sẽ đỡ công tưới. Nếu trồng trong mùa khô phải tưới nước ít nhất 1 tháng đầu, nên tưới bằng vòi phun với lượng nước tưới vừa đủ.

-Cắt tỉa cành:
Thanh Trà là loại cây đa thân, cây tự phân nhánh rất đều do đó việc cắt tỉa cành, tạo tán trong thời kỳ kiến thiết bơ bản đơn giản hơn so với các cây khác. Định kỳ 2-3 tháng dùng kéo tỉa bỏ bớt các cành mọc rậm rạp, tạo cho cây có bộ tán cân đối. Khi cây đã cho trái sau mùa thu hoạch, cắt tỉa bớt các nơi có mật độ cành mọc dày, tạo cho tán cây thông thoáng cây sẽ cho năng suất cao ở vụ kế tiếp.

-Bón phân 
Hàng năm vào đầu mùa mưa bón mỗi gốc 15-25 kg phân chuồng hoai/gốc, mục đích bổ sung thêm các chất dinh dưỡng vi lượng, độ mùn, tăng độ phì và tăng khả năng giữ của đất trong mùa khô. Bón bằng cách rãi đều lên mặc đất xung quanh mặc bồn.

Phân hóa học:
Năm thứ 1: Sau khi trồng 20 ngày bón phân NPK(15-15-15) hay NPK(16-16-8) 100-150g/gốc, bón bằng cách rải đều trên mặc đất xung quanh tán, tạo điều kiện cho rễ cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả nhất, sau khi bón dùng cào cỏ cào nhẹ lớp đất mặc để phân dễ thấm sâu, sau đó phủ lên một lớp đất mỏng. Có thể pha loãng phân với nước tưới hiệu quả sẽ cao hơn. Sau đó định kỳ 3-4 tháng bón 1 lần, mỗi lần 100 - 200g/gốc kết hợp phun thêm phân bón lá để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây.
Năm thứ 2: dùng phân NPK trên bón liều lượng 0,5-1 kg, chia làm 2 lần bón (đầu và cuối mùa mưa).
Năm thứ 3 và thứ 4: cây bắt đầu cho trái bón mỗi gốc 1,5-3 kg chia làm 3 lần bón: lần 1 sau thu hoạch, lần 2 trước ra hoa, ở lần bón phân 2 có thể trộn thêm 0,5 kg phân lân nung chảy nhằm bổ sung thêm lân, canxi, megiê và một số nguyên tố trung vi lượng khác cho cây, lần 3 bón sau khi trái đậu 1 tháng. Khi cây cho trái ổn định mỗi năm bón 3-4 kg NPK, cộng thêm mỗi gốc 0,5-1 kg phân kali (K2SO4), phân kali sulphat bón trước thu hoạch khoảng 20 ngày bằng cách rãi đầu khắp mặt bồn sau đó tưới nước 2-3 lần để phân thấm sâu sẽ làm tăng đáng kể độ ngọt và màu màu sắt thịt quả.
Thu hoạch quả:
Cây thanh trà ghép cho trái sau 3-4 năm trồng, cây ≥ 7 năm tuổi cho năng suất 120-200 kg/cây. Trái thanh trà khi chín có thể neo trên cây 12-15 ngày. Dùng dụng cụ thang, kéo cắt trái và túi lưới để thu hoạch quả, hạn chế trèo lên cây vì dễ làm giãn, gãy cành sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau. Khi cắt trái nên chừa 1-3 lá ở cuốn trái, trái sẽ tươi lâu và dễ bán. Sau khi hái nên phân loại những trái có cùng kích thước và độ chín. Sau khi phân loại, trái được cho vào thùng xốp, mỗi thùng 20-25 kg để chuyển đến các khách hàng và đại lý tiêu thụ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét